Giữ vị trí quan trọng
Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã cán đích 11 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021. Trong đó, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 312,16 nghìn tấn, trị giá 779,06 triệu USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 28,5% về trị giá so với năm 2021, chiếm 13,62% về lượng và chiếm 7,13% về trị giá trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Cá tra, basa là chủng loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường ASEAN, chiếm 30,5% trong tổng lượng thủy sản xuất khẩu sang thị trường này năm 2022, đạt 95,3 nghìn tấn, trị giá 195,5 triệu USD, tăng 23,2% về lượng và tăng 55,3% về giá trị so với năm 2021. Các mặt hàng thủy sản chính xuất khẩu sang ASEAN tiếp theo gồm: chả cá, cá đông lạnh, mực các loại, tôm các loại…
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 1/2023, ASEAN là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam sau Nhật Bản, Mỹ và EU, đạt 49,5 triệu USD, giảm 29,8% so với tháng 12/2022 và giảm 14,57% so với tháng 1/2022.
Tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Philippines, Indonesia, Brunei tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, trong khi xuất khẩu sang các thị trường còn lại trong khối ASEAN giảm mạnh.
Thái Lan là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, đạt 22,6 triệu USD trong tháng 1/2023, giảm 11,36% so với tháng 12/2022 và giảm 22,37% so với tháng 1/2022.
Sau COVID-19, Thái Lan đã mở cửa hoàn toàn và ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Các phân khúc nhà hàng, khách sạn lại tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. Trong năm 2023, các yếu tố nội địa đặc biệt của Thái Lan có thể tạo ra niềm tin lạc quan cho các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà xuất khẩu nước ngoài như Việt Nam. Hai yếu tố thúc đẩy tăng trưởng chính là phục hồi du lịch và kích thích kinh tế sau bầu cử, dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Philippines là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 trong khối, đạt 11,8 triệu USD trong tháng 1/2023, giảm 43,62% so với tháng 12/2022, nhưng tăng 57,85% so với cùng kỳ năm 2022. Các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn tiếp theo của Việt Nam trong khối ASEAN gồm Malaysia, Singapore…
Tháng 1/2023, tỷ trọng xuất khẩu sang ASEAN trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng lên 10,4% từ mức 7,13% của năm 2022.
Dây chuyền chế thủy sản (ảnh: Hải Đăng)
|
Còn nhiều tiềm năng
Khu vực thị trường ASEAN bao gồm 10 quốc gia thành viên, gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây là khu vực thị trường gần gũi và có vai trò hết sức quan trọng đối với Việt Nam.
Sau 27 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập ASEAN, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và khu vực thị trường ASEAN không ngừng phát triển trong các năm qua và đạt được các thành tựu đáng kể. Đến thời điểm hiện nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của doanh nghiệp Việt Nam, sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Thị trường ASEAN còn nhiều tiềm năng với hàng Việt Nam, trong đó có thủy sản. Thứ nhất về mặt địa lý, thị trường ASEAN là khu vực thị trường có khoảng cách địa lý gần gũi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí lưu kho bãi. Doanh nghiệp cũng có nhiều lựa chọn phương thức vận chuyển hàng hóa như vận tải đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Thứ hai, về mặt văn hóa, thị hiếu, thị trường ASEAN là một khu vực văn hóa thống nhất trong đa dạng. Tuy mỗi nước đều có phong tục, tập quán đa dạng đặc sắc nhưng đều có nền tảng văn hóa nông nghiệp nên lối sống cũng có những nét gần gũi, tương đồng. Về thị hiếu người tiêu dùng, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, giá thành khi xuất khẩu sang ASEAN. Hầu như tất cả mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều có thể coi ASEAN là đích đến. Xuất khẩu thành công sang thị trường ASEAN sẽ là bước đầu để hàng Việt Nam tiếp tục thâm nhập các thị trường khác.
Thứ ba, hiện nay, hầu hết hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này đều được hưởng ưu đãi với mức thuế quan 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hoặc hưởng một số ưu đãi đặc biệt hơn theo các Hiệp định/Thỏa thuận thương mại song phương giữa Việt Nam với từng nước.
Thứ tư, theo Asean Key Figures 2021 - Những số liệu chủ yếu ASEAN năm 2021 - là ấn bản lần thứ 4 được Ban Thư ký ASEAN công bố vào tháng 12/2021, ASEAN hiện là khu vực có quy mô dân số lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong giai đoạn 1980 - 2020, dân số ASEAN tăng từ 355,1 triệu người lên 661,8 triệu người với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 1,3%. Quy mô dân số đã tăng gần gấp đôi là do sự gia tăng tự nhiên cũng như sự gia nhập thêm quốc gia thành viên mới. Dân số của ASEAN dự kiến đạt 790 triệu người vào năm 2050, điều này sẽ đòi hỏi nguồn cung lương thực tăng đáng kể để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Thứ năm, cá và các sản phẩm thủy sản là một trong những nguồn cung cấp protein chính đối với người tiêu dùng ASEAN với mức tiêu thụ bình quân đầu người của khu vực năm 2017 là 39,4 kg/người/ năm, gần gấp đôi mức tiêu thụ bình quân 20,3 kg/người/năm của thế giới (FAO, 2020). ASEAN là thị trường thủy sản tiềm năng của Việt Nam trong thời gian tới khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thị trường này được dự báo tiếp tục tăng lên 51,5 kg/người/năm vào năm 2030 và sẽ tăng lên 61,5 kg/người/năm tới năm 2050.
Thương mại thủy sản là nguồn ngoại tệ quan trọng cho nhiều nước đang phát triển. Hoạt động thương mại thủy sản trong khu vực ASEAN đã tăng đáng kể đạt khoảng 20 tỷ USD/năm. Dự báo, thương mại thủy sản trong khu vực ASEAN dự kiến trong thời gian tới sẽ tăng 3,7%/năm.
Nhiều chuyên gia nhận định, ASEAN là thị trường tiềm năng chưa được đầu tư nhiều. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và lĩnh vực thủy sản nói riêng có thể cân nhắc việc mở rộng xuất khẩu sang khối thị trường này, tránh phụ thuộc vào một số thị trường chính.
Hải Đăng